những thắc mắc khi nắn chỉnh răng?
Những người đó không chỉ cảm thấy mất tự tin trong giao tiếp mà quyền lợi sát sườn là chức năng nhai, sức khỏe răng bị ảnh hưởng đáng kể. Vậy thì hãy "thiết quân luật" với răng để mình có một hàm răng đều, khỏe và ít nguy cơ tổn hại nhất bằng cách nắn chỉnh răng kịp thời.
Thế nào là nắn chỉnh răng?
Nắn chỉnh răng (chỉnh nha) còn gọi là niềng răng, chỉnh hình răng, là quá trình dùng lực tác động lên răng để di chuyển, sắp xếp răng trở lại khớp cắn đúng. Nó có thể tác động để chỉnh các răng hô, móm, mọc lệch... Quá trình chỉnh răng ở người lớn và trẻ nhỏ đều được tiến hành như nhau, chỉ là thời gian dài hay ngắn, hiệu quả nhanh hay chậm mà thôi.
Tôi sẽ được gì khi đi niềng răng?
Tất nhiên là một hàm răng đều và mọc đúng vị trí - đó là hiệu quả thẩm mỹ. Nhưng giá trị nhất là niềng răng giúp cho răng khỏe hơn và phát huy đúng các chức năng cụ thể của từng răng, cải thiện chức năng nhai của răng. Quá trình này còn hữu ích trong việc điều trị các bệnh nha chu cũng như phục hồi các răng bị mất. Khi răng mọc đều và đúng, bạn ít bị sâu răng, viêm lợi.
Khi nào có thể bắt đầu chỉnh răng cho hiệu quả nhất?
Từ 12-16 tuổi là giai đoạn thay hoàn chỉnh toàn bộ răng sữa bằng răng vĩnh viễn cũng là khoảng thời gian tốt nhất để nắn chỉnh hàm răng một cách toàn diện. Nhưng để cho hiệu quả của việc nắn chỉnh răng thực sự hoàn hảo và không gặp nhiều cản trở thì ngay từ khi bắt đầu thay răng sữa (6-7 tuổi) nên có sự kiểm tra răng miệng thường xuyên để có thể thực hiện nắn chỉnh răng phòng ngừa kịp thời. Lúc này, bạn chỉ phải mang hàm tiền chỉnh nha, ban ngày chỉ cần mang 1-2 tiếng, chủ yếu đeo suốt đêm, lúc ngủ nên ít ảnh hưởng đến thẩm mỹ hay các sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời giá cả cũng rất phải chăng. Với lứa tuổi trên 30, xương hàm đã phát triển hoàn chỉnh thì việc nắn chỉnh hàm sẽ mất thời gian lâu hơn mà hiệu quả có thể không được 100% như ý.
Làm sao để nhận biết mình cần phải đi nắn chỉnh răng?
Ở các nước tiên tiến, việc khám sức khỏe tổng thể nói chung cũng như nha khoa nói riêng định kỳ là một việc có trong thời gian biểu của mọi người. Cho nên, cứ 6 tháng một lần bạn lại có những thông tin cập nhật về tình trạng răng miệng của mình để có những ứng xử kịp thời. Chỉ cần phát hiện ra khớp cắn của bạn không đúng thì các nha sĩ đã khuyên bạn nên mang niềng răng rồi. Thời gian mang niềng như vậy thường không lâu. Còn ở Việt Nam, chỉ nắn chỉnh răng khi đã thấy rõ ràng những cái răng mọc lêch.
Quá trình chỉnh nha được tiến hành như thế nào?
- Lần khám thứ nhất: lấy mẫu răng bằng thạch cao và chụp 2 phim Xquang phục vụ cho chỉnh nha. Lúc này nha sĩ sẽ nắm được thực trạng hàm răng của bạn: hình thể răng, khoảng cách mất, còn, thừa, thiếu.
- Lần khám thứ 2: tư vấn đầy đủ về quy trình chỉnh răng. Bạn sẽ nắm được tình trạng răng của mình, thời gian chỉnh răng trong bao lâu, các chi phí cần thiết cho việc điều trị. Bạn sẽ được gắn mắc cài ngay nếu đồng ý với các tư vấn của nha sĩ.
- Các lần khám tiếp theo đúng lịch của nha sĩ, cách nhau khoảng 2 tuần, 1 tháng, rồi 2 tháng: nha sĩ chỉnh dây cung và mắc cài, xử lý các vấn đề cụ thể xảy đến với bạn trong quá trình đeo niềng chỉnh răng.
Thời gian điều chỉnh đó kéo dài bao lâu?
Thời gian bao lâu tùy thuộc vào tình trạng răng cụ thể của bạn, thường thì mất từ 12-24 tháng. Nhưng vì miệng cử động liên tục với nhiều lực tác động hàng ngày đến răng bởi việc nhai, nuốt, nói... nên ngay cả khi răng của bạn đã được đưa về vị trí khớp cắn đúng của nó, bạn vẫn nên đeo khí cụ chỉnh nha thêm một thời gian để cố định răng chắc chắn với vị trí mới.
Có mấy loại khí cụ chỉnh nha?
Có 2 loại khí cụ chỉnh nha là khí cụ tháo lắp và khí cụ cố định.
- Khí cụ tháo lắp: là loại mà tự bệnh nhân có thể tháo lắp dễ dàng theo ý muốn, giá cả lại phải chăng từ 1-4 triệu đồng, nên dễ được chấp nhận. Thích hợp với những trường hợp xương hàm đang phát triển. Tuy nhiên, kết quả lại phụ thuộc quá nhiều vào sự hợp tác của người bệnh và không điều chỉnh được những răng phức tạp. Dùng loại này rất vướng nên khi ăn thường phải tháo ra mỗi ngày phải tháo lắp nhiều lần.
- Khí cụ cố định: gắn chặt trên răng, kết quả điều trị ít phụ thuộc vào bệnh nhân, hiệu quả tốt với những răng mọc lệch phức tạp. Nhưng chi phí của nó lại rất cao, dao động trên dưới 10 triệu. Ngoài ra, còn có các khí cụ tháo lắp chuyên dùng để giúp trẻ nhỏ loại bỏ các thói quen xấu ảnh hưởng đến quá trình mọc đúng chỗ của răng.
Khi chỉnh răng có đau và bị lung lay răng không?
Chúng ta đã biết đây là quá trình tác động đến răng và đưa nó về vị trí khớp cắn đúng nên sẽ diễn ra sự dịch chuyển vị trí của răng khiến nó lung lay và bị tức. Nhưng nó không làm cho răng bạn lung lay quá mức hay bị rụng, bị đau tức xương hàm đến không chịu nổi vì nó diễn ra từ từ trong thời gian rất lâu. Nếu bạn cảm thấy việc chỉnh răng khiến mình không chịu nổi vì đau thì cần trao đổi với nha sĩ để có sự cân chỉnh niềng răng vừa phải cho phù hợp.
Có mấy loại mắc cài chỉnh răng, ưu khuyết điểm của từng loại?
Dựa vào vị trí thì có 2 loại mắc cài là cài mặt trong và cài mặt ngoài. Dựa vào nguyên liệu thì có mắc cài inox, mắc cài sứ, mắc cài composite...
- Mắc cài mặt trong của răng: khiến cho mọi người không nhận ra bạn đang thực hiện nắn chỉnh răng. Kiểu này rất phù hợp với những người cần giao tiếp nhiều, những người hay xuất hiện trước nhiều người để diễn thuyết, hát... Nha sĩ thao tác loại cài mặt trong phức tạp hơn, khả năng kéo nắn hạn chế hơn loại mắc cài mặt ngoài. Với người bệnh, việc vệ sinh răng và khí cụ chỉnh răng khó khăn hơn. Đặc biệt lứa tuổi nhỏ không nên làm kiểu này. Do lưỡi hay cử động, chạm vào khí cụ gây vướng, khó chịu. Cha mẹ làm vệ sinh cho con cũng khó khăn hơn vì phải đánh kỹ mặt trong của răng.
- Mắc cài mặt ngoài: rất hiệu quả trong việc kéo nắn răng. Khí cụ mặt ngoài dễ dàng cho việc cọ rửa, vệ sinh, nhất là lấy sạch thức ăn. Nhưng nhiều người mặc cảm không dám cười nói khi đeo hàm chỉnh răng. Mắc cài sứ, composite có thể giúp bạn giấu đi hàm chỉnh răng ngay cả khi bạn đeo mắc cài mặt ngoài vì sự đồng màu của nó nhưng giá cả cao hơn từ 10-12 triệu đồng. Mắc cài inox: làm cho hàm răng của bạn lấp lánh khi cười nói, nhưng giá cả lại hạ hơn một chút so với mắc cài sứ khoảng 2 triệu.
Việc chăm sóc răng sau khi mang hàm chỉnh răng thế nào?
Rất nhiều người thấy ngại khi được nha sĩ tư vấn cho việc chăm sóc răng miệng khi đeo hàm chỉnh răng vì nó mất thời gian hơn và cần làm chu đáo hơn. Với loại khí cụ tháo lắp việc vệ sinh dễ dàng hơn. Còn khí cụ cố định, sau mỗi bữa ăn bạn phải lấy sạch thức ăn bám trên khí cụ rồi đánh răng sạch sẽ. Bạn có sự hỗ trợ của loại bàn chải chuyên dùng, nhưng bản thân bạn cũng phải tự mình nỗ lực. Rất nhiều người đã từ bỏ được thói quen ăn vặt sau khi đeo hàm chỉnh răng.